Monday, July 15, 2013

Trò chơi

Lúc nhỏ, nhà nghèo nên chúng tôi hiếm khi được mua cho đồ chơi. Đồ chơi chúng tôi có thường là tìm thấy ở mảnh vườn phía sau nhà. Lúc thì một cái nồi, con thú bằng nhựa hay những thứ nho nhỏ khác. Nhiều nhất là vỏ đạn. Ngày ấy vỏ đạn có thể đem bán nên chúng tôi rất thích :o. Ừ, con nít mà, biết gì!

 Phía sau nhà có một chỗ nhô cao, với cái rãnh ở giữa, được xây bằng sỏi và xi măng, nghe nói ngày xưa dùng để rửa xe. Chúng tôi thỉnh thoảng cạy được những viên sỏi tròn trĩnh, rất đẹp. Con nít hình như đa phần thích sưu tầm đá sỏi!

Khu vườn sau nhà cũng là nguồn cung cấp đất sét dồi dào cho chúng tôi. Hai anh tôi rất khéo tay, nắn được rất nhiều con thú. Tôi thì chỉ có thể ngồi nhìn, thán phục. Tôi còn nhớ anh cả của tôi nắn được 1 con bò mộng, được ba mẹ tôi trưng ở đầu tủ. Ai thấy cũng tấm tắc khen đẹp. Sau một thời gian hình như có ai đó xin mất.

Hai anh tôi còn giỏi làm diều. Sườn diều được làm từ tre (nếu tôi nhớ không lầm), thân diều làm bằng giấy tập của năm học trước, hồ được khuấy từ bột mì tinh và nước sôi. Đuôi diều dài lướt thướt lúc bay lên cao nhìn rất thích.

Ngoài ra chúng tôi còn chơi bắn bi, tạt lon, cò chẹp, ô ăn quan, ống thụt, giàn ná, thảy đá... toàn những thứ tự chế, với những nguyên liệu dễ kiếm.

Chỉ cần cái lon và mỗi đứa 1 chiếc dép là có thể chơi tạt lon. Cái lon được đặt trong 1 hình chữ nhật vẽ bằng phấn. 1 đứa đứng canh lon. Những đứa còn lại đứng sau vạch phấn cách cái lon 1 khoảng xa. 1 trong những đứa đứng sau vạch dùng chiếc dép để tạt cái lon bay đi xa. Sau đó chạy lên nhặt dép rồi chạy về sau vạch. Đứa đứng canh lon sẽ nhanh chóng đi nhặt cái lon, đặt vào chỗ cũ rồi chạy theo chạm vào đứa vừa tạt lon. Đứa bị bắt sẽ thay thế vị trí của đứa canh lon. Nếu đứa tạt lon mà không làm ngã lon thì phải chờ đứa khác tạt ngã lon mới được cầm dép chạy về.

Tôi không nhớ rõ cách làm ống thụt. Hình như là 1 khúc tre nhỏ không có mắt, với 1 khúc cây được đẽo vừa khít với cái ruột của ống tre. Giấy được nhúng ướt vo viên, hoặc những loại trái nho nhỏ (không nhớ rõ là cây gì), được nhét vào 1 đầu của ống tre, sau đó dùng khúc cây đẩy vào ống tre để thụt ra. Ngoài việc bắn ra giống viên đạn thì hình như nó còn tạo âm thanh rất thích.

Giàn ná được làm từ chạc của một nhánh cây có hình như chữ Y, với hai đoạn dây thun cột vào một miếng vải nhỏ. Hai đầu còn lại của đoạn dây thun cột vào cái giàn hình chữ Y đó. Với dụng cụ này, 2 anh tôi là tay săn rắn mối lành nghề. Mà thịt rắn mối cũng ngon lắm nhá! ;)

Đá dế cũng là trò được đám con nít mê tít. Cứ nghe tiếng dế kêu sau vườn là anh tôi tìm đến hang nơi phát ra tiếng, cho vào đó tí nước. Lát sau con dế ngoi lên và bị tóm gọn ngay. Khi mỗi người đã tìm ra một chiến binh cho mình thì trò chơi bắt đầu. Tôi thấy các anh tôi lấy tóc cột vào cổ con dế rồi thổi hay quay gì đó mà lát sau nó bay vòng vòng. Hình như đây là cách để làm cho con dế sung thì phải :)). Mấy cọng tóc được quấn quanh đầu 1 cây nhỏ như cây nhang để ngoáy ngoáy con dế mỗi khi nó không chịu tiến lên. 2 con dế vờn nhau, cánh phồng lên, miệng kêu re re, rồi lao vào đá nhau cho đến khi 1 con quay đầu bỏ chạy. Đó là lúc biết được kẻ thắng thua.

Thỉnh thoảng về nội chơi thì chúng tôi đi câu cá, đi bắt tôm tích. Câu cá thì không ai xa lạ, nhưng cách bắt tôm tích thì không phải ai cũng biết. Cám được rang vàng cho có mùi thơi rồi cho vào hũ, đậy kín. Chúng tôi mang theo cái hũ đó đi dọc theo các con kênh chạy vòng quanh xóm. Cứ thấy cái hang tôm tích thì cho một ít cám trên mặt nước ngay miệng hang. Lát sau con tôm tích nhô lên ăn thì thò tay chụp.

Thỉnh thoảng nhìn tụi nhỏ ngồi với đống đồ chơi tôi lại nhớ về những ngày xưa ấy! Nghe chẳng thấy sự liên hệ nào nhỉ?

No comments:

Post a Comment